Theo quy luật của đất trời, bốn mùa xoay chuyển luôn có một mùa hoa.
Nha Trang 100 năm ấy đã có biết bao mùa hoa nở. Và trăm năm ấy thành phố có biết bao nhiêu thay đổi.
Không thể nhớ tôi đã bao nhiêu lần đi trên con đường Trần Phú, có thể nói đây là con đường biển đẹp nhất miền Trung. Tôi cũng không nhớ bao lần đi trên những con phố của Nha Trang với bao nhiêu thay đổi, cả trăm năm trôi qua ở đó, từ một làng chài nhỏ cho đến nay đã trở thành một thành phố du lịch nức tiếng. Và dẫu có những lúc đi xa, khi trở về lại mang trong mình một cảm giác vô cùng kỳ lạ, cảm giác của yêu thương.
Mọi người lục lại những tư liệu cũ, xem những hình ảnh cũ để nhớ về một Nha Trang xưa, còn tôi sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, đã hơn nửa thế kỷ chạm những bước chân mình trên phố, ngắm nhìn những mùa phượng nở, những mùa biển động và cả những ngày bão về phố hiếm hoi. Thành phố ấy có một bãi biển ôm sát mình, để cho bất cứ ai sinh sống ở Nha Trang cũng có thể đi ra biển, nhảy xuống vùng biển ấy, hay chỉ là để đôi chân trần giẫm lên bờ cát mịn, rồi ngắm nhìn những con sóng lặng lẽ xóa đi.
Nha Trang năm tôi 10 tuổi, có những hàng tạp hóa bày những thẩu thủy tinh, trong đó là bánh kẹo, mua bao nhiêu bà chủ lấy cho bấy nhiêu. Ở đó có những đoàn hát nhỏ hát bài chòi, đêm xuống trải chiếu ở nơi một trụ đèn và hát. Khách xem bỏ tiền vào chiếc mũ để trước mặt. Có những người bán chè, bán bún bò gánh hàng đi từng góc phố, tiếng rao loang trong không gian. Tới nơi nào đó, bà bán hàng bày mấy chiếc đòn ngồi cho khách, bán hàng.
Nha Trang năm tôi 20 tuổi, chạm vào tiếng ve kêu nơi hàng hoa phượng trên đường Lê Thánh Tôn (hàng cây này không còn nữa) hay đến đường Bá Đa Lộc (nay là đường Lý Tự Trọng) vào mùa cây xà cừ ra trái. Những trái xà cừ như xòe cánh rụng, những gốc xà cừ trồi lên mặt đất tạo nên những hình tượng kỳ thú. Là con đường Phan Thanh Giản (nay là đường Pasteur) với 2 hàng hoa phượng giao nhau, đến mùa hoa tạo ra một khung cảnh lãng mạng, nên con đường vào thời đó được các cô cậu học trò đặt cho là “con đường tình nhân”. Nha Trang của cái thuở còn vắng người, thuở những con đường chưa mở rộng và chưa nối được vào nhau, trên con đường Duy Tân (Trần Phú) có những chiếc xe đẩy bán cà rem (kem cây) hoặc bán cóc, ổi, xoài ngâm và có cả mực nướng cán mỏng phết lên một ít tương ớt.
Bây giờ thành phố mở rộng, những con đường đã nối nhau và thành phố thêm nhiều mùa hoa. Ngày cũ, rất ít cây có hoa trồng trên phố, chủ yếu chỉ là hoa phượng và xà cừ, một số con đường trồng hoa xoan (đường Nhà Thờ, nay là đường Lê Thành Phương). Cây bàng đã có ở Nha Trang rất lâu, như trên đường Trần Phú có một số cây bàng cổ thụ. Và ngày cũ ấy, những người bán xôi thường thuê hái lá bàng non vào mùa cây bàng thay lá để gói xôi. Những gói xôi bằng lá bàng tạo một cảm giác ngon miệng. Để trong ký ức những cô cậu học trò thời ấy vào mùa trái bàng rụng chín đi lượm trái bàng ghè đá cho vỡ ra để ăn, dẫu hạt bàng bé xíu chẳng bõ công đập ra.
100 năm Nha Trang, những con sóng biển vẫn vỗ về cùng gió, cuộc đổi thay của thành phố thật diệu kỳ. Thành phố đang bước vào mùa hoa thứ 100.