Đến phố biển Nha Trang – Khánh Hòa mà chưa ăn bún cá sứa Nha Trang thì coi như chưa thưởng thức được hương vị của biển.
Như cái tên gọi món ăn, đặc trưng của bún cá sứa Nha Trang gồm 2 loại hải sản là cá và sứa. Trong đó, sứa biển là một món đặc trưng vùng biển. Sứa biển không phải ai cũng rành nên rất ít người dám “mạo hiểm” sử dụng. Ngay cả những người hiểu biết nhất đôi khi cũng phải nhầm lẫn vì mua trúng loại sứa rất mặn, không thể ăn được. Có loại sứa khác, ăn vào thì gây dị ứng, ngứa…
Tuy nhiên, khi đến Nha Trang, những người dân địa phương ở đây biết cách lựa chọn những thớ sứa ngon nhất, ngọt mát và giòn tan khi thưởng thức. Vì là vùng biển nên sứa ở đây tươi, mọng nước, không bị khô ráp khi ăn. Sứa ở Nha Trang thịt trong, khi thời tiết bắt đầu nóng lên, sứa là món ăn ngon, bổ, mát và có tính giải nhiệt cao.
Lại nói về cá, những loại cá thường được sử dụng cho món bún cá sứa là cá thu, cá ngừ, cá cờ, cá nhồng. Cá thu và cá nhồng thường được sử dụng để làm chả cá hấp và chả cá chiên. Sau khi lọc xương, người ta quết phần thịt cá cho nhuyễn và nặn thành viên. Sau đó đem đi hấp để giữ nguyên mùi vị.
Còn 2 loại cá cờ và cá ngừ có phần xương khá to sẽ dùng để nấu làm nước. Đặc trưng nước dùng là không phải được ninh từ thịt hay xương ống mà từ xương cá. Còn phần thịt cá sẽ được phi lê riêng để làm phần cá ăn kèm với bún.
Một điều không thể không nhắc đến để tô bún cá sứa đậm vị đó là nước chấm. Phải làm đúng cách thì mới có chén nước chấm đúng kiểu, gồm hỗn hợp mắm ruốc, ớt dầm ngọt, ớt cay, sau đó vắt chanh vào. Nếu thực khách ăn mặn có thể thêm nước mắm, không ăn cay được thì bỏ ớt cay ra.
Tô bún nóng hổi sẽ được ăn kèm với dĩa rau sống, khi nhúng rau vào tô bún sẽ khiến nước nguội bớt vừa ăn. Rau sống gặp nóng dịu đi, ăn kèm với cá sứa rất ngon.